Sâu răng sữa và những tác hại không ngờ

Răng sữa thường ít được các bố mẹ quan tâm vì suy nghĩ răng chỉ tồn tại vài năm. Sau đó răng sữa sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Với suy nghĩ như vậy nhiều phụ huynh bỏ qua việc chăm sóc răng sữa cho con. Và không biết rằng việc răng sữa bị sâu mang lại những tác hại không ngờ đến. Cùng xem bài viết dưới đây để hiểu rõ về tác hại và cách giải quyết khi con bị sâu răng sữa!

1. Sự thật về răng sữa

Theo nhiều nghiên cứu, có khoảng hơn 80% trẻ em Việt Nam bị sâu răng sữa. Đây là do thói quen thường xuyên ăn bánh kẹo, đồ ngọt nhưng không tiến hành vệ sinh kĩ càng. Răng sữa khi sâu sẽ bị sâu nặng hơn trong một thời gian cực kì nhanh. Bắt đầu từ phần ngoài của răng xuất hiện vết đốm trắng đục. Đây là do vi khuẩn tiêu hóa thức ăn thừa tạo thành các acid gây xói mòn bề mặt răng. Nếu không được xử lí kịp thời thì tổn thương sẽ trở nên nặng nề hơn. Sâu răng sẽ ăn sâu vào men răng, ngà răng và tạo thành các lỗ sâu tối màu.

Tuổi thọ răng sữa chỉ có vài năm và sau đó sẽ là các răng vĩnh viễn mọc lên. Vì thế mà rất nhiều bố mẹ lơ là việc chăm sóc và quan tâm khi răng sữa bị sâu. “Răng sữa bị sâu cũng không ảnh hưởng, đằng nào có chả thay răng” là nhận định của phần đa các bố mẹ. Nhưng nhận định sai lầm này gián tiếp gây hại cho sức khỏe răng miệng của con trẻ. Đặc biệt là không chỉ khi bé còn nhỏ mà là cả sức khỏe răng miệng của con sau này!

2. Đừng chủ quan khi con bị sâu răng sữa

Khác với suy nghĩ của các bố mẹ, sâu răng sữa có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển răng vĩnh viễn sau này. Răng sữa bé mất càng sớm thì sự ảnh hưởng đến sức khỏe càng nhiều.

Dưới mỗi chân răng sữa luôn có mầm răng vĩnh viễn đợi để mọc. Nếu bị sâu răng sữa quá nặng, vi khuẩn sẽ ăn sâu vào mầm răng vĩnh viễn. Gây ảnh hưởng đến việc mọc răng vĩnh viễn sau này.

Răng sữa tồn tại trước răng vĩnh viễn để bé có thể nghiền thức ăn. Nếu răng sữa bị sâu sẽ làm bé đau nhức, khó chịu. Ảnh hưởng đến việc ăn uống và cung cấp dinh dưỡng của trẻ. Lâu ngày còn có thể dẫn tới trẻ biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng.

Một nhiệm vụ ít người biết của răng sữa đó là định hướng, tạo khoảng cho răng vĩnh viễn mọc sau này. Việc tạo các khoảng cách trên cung hàm sẽ giúp răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí. Nếu sâu răng sữa, răng vĩnh viễn của bé có thể mọc lệch, mọc sai vị trí. Nặng hơn là ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và khả năng giao tiếp của bé sau này.

Bé bị sâu răng nếu tiến triển nặng hơn sẽ ảnh hưởng đến phần tủy răng, gây đau nhức, khó chịu. Tủy răng bị hư hại và nhiễm khuẩn còn có nguy cơ dẫn đến hoại tử, áp xe răng. Đặc biệt, nặng nề nhất còn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, nhiễm trùng cả phần xương ổ răng.

3. Nên làm gì khi con bị sâu răng sữa

Với những thông tin trên đây, có thể thấy sâu răng sữa là vấn đề rất đáng quan tâm. Tùy mức độ sâu của bé mà có thể có cách xử lí khác nhau. Tuy nhiên, nếu nhận thấy bé bị sâu răng thì cần đưa bé đến các địa chỉ nha khoa uy tín. Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bé.

Nếu bé bị sâu răng sữa và đã đến tuổi thay răng thì sẽ được các bác sĩ chỉ định nhổ răng. Trường hợp bé chưa nhổ răng được thì sẽ được bác sĩ điều trị chỗ sâu, tiến hành trám lại. Từ đó ngăn ngừa vết sâu răng lan rộng hơn. Bé cũng có thể ăn nhai trở lại bình thường. Một trường hợp khá đặc biệt là bé gần tới thời điểm thay răng sữa. Lúc này bác sĩ sẽ không trám răng mà chờ đến thời điểm thích hợp sẽ nhổ răng cho bé.

4. Cách phòng ngừa sâu răng sữa cho bé

Một khi bị sâu răng sữa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bé. Vì vậy, bố mẹ có thể áp dụng những cách sau để phòng ngừa sâu răng cho bé:

Cung cấp canxi cho con lúc còn ở trong bụng mẹ: Những thực phẩm mẹ nạp vào trong giai đoạn thai kì sẽ chuyển trực tiếp vào cơ thể bé. Vì vậy, trong giai đoạn này, ngoài việc bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết, mẹ cũng nên bổ sung những thực phẩm chứa nhiều canxi. Những thực phẩm hỗ trợ canxi cho men răng của bé như: cá, tôm, ốc, sữa, sò,...

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho bé: Bé dưới 6 tuổi, nhiều mẹ chưa tiến hành vệ sinh răng cho con. Điều này sẽ khiến rất nhiều vi khuẩn tích tụ và tấn công răng của bé. Nên cho bé súc miệng bằng nước muối ấm và vệ sinh răng bé bằng gạc. Với các bé đã đủ tuổi đánh răng thì nên hướng dẫn bé cách đánh răng 2 lần/ngày. Lưu ý lựa chọn kem đánh răng cho bé để phù hợp hơn.

Giúp bé tập các thói quen tốt: Một trong những thói quen xấu của trẻ là ăn nhiều đồ ngọt, ít uống nước lọc. Mẹ nên tập thói quen cho trẻ hạn chế ăn đồ ngọt, uống nước nhiều.

Để đảm bảo sức khỏe răng miệng của bé, bố mẹ nên đưa bé khám răng miệng định kì 6 tháng/lần. Và đặc biệt là không thể xem thường hay lơ là khi bé xuất hiện tình trạng sâu răng sữa!

Xem thêm: Giá nhổ răng sâu bao nhiêu? Cập nhật bảng giá chi tiết