KHUYẾT CỔ RĂNG – BỆNH LÝ PHỔ BIẾN VÀ NGUY HIỂM

Khuyết cổ răng  hay còn gọi là tiêu thân răng hình chêm là một rãnh sâu, lõm vào hình chữ V ở mặt ngoài răng sát viền lợi. Khuyết cổ răng thường gặp ở cả răng cửa trước lẫn răng hàm ở phía sau, tùy mức độ  mà nó gây nên những triệu chứng khác nhau:
- Ê buốt răng khi ăn uống nóng lạnh hoặc chua ngọt.
- Đau nhức dai dẳng, gây viêm tủy.
- Viêm quanh chóp răng, răng lung lay và mất răng.

 

1. Nguyên nhân gây ra khuyết cổ răng:

- Khuyết cơ học: do chải răng mạnh quá mức, không đúng cách... Việc chải răng ngang và sử dụng bàn chải có lông cứng hay kem đánh răng có chứa nhiều chất mài mòn là nguyên nhân gây khuyết cổ răng.

- Khuyết hóa học: do dịch vị từ dạ dày có tính acid trào lên khoang miệng, hay gặp ở những người có chứng nôn hoặc trào ngược thực quản do nghiện rượu hoặc các rối loạn về ăn, uống…

- Khuyết do khớp cắn: khớp cắn lệch lạc, tật nghiến răng hoặc thói quen ăn thức ăn cứng làm cho lực tác động lên răng không đồng đều, gây xoắn vặn quá mức cũng gây khuyết cổ răng.

- Những yếu tố di truyền hay bệnh lý toàn thân: gout, thấp khớp, thiếu canxi, giảm tiết nước bọt làm sức kháng mài mòn của răng bị yếu đi.

Trên thực tế, khuyết cổ răng là hậu quả của hai hay nhiều nguyên nhân trên kết hợp với nhau.

 

 

2. Cách điều trị khuyết cổ răng:

Khi thấy xuất hiện một vết khuyết trên răng, hãy đến phòng nha để Nha sĩ thăm khám tìm nguyên nhân. Nếu được phát hiện sớm, tổn thương sẽ được ngăn chặn. Điều trị mòn răng tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng tổn thương mô răng.
- Nếu là mòn nông, không bị nhạy cảm, có thể không cần điều trị. Đối với những răng nhạy cảm, nha sĩ có thể khuyên bạn nên dùng kem fluor và nước súc miệng ở nhà.
- Nếu tổn thương mòn răng sâu vào bên trong, có thể trám.  răng cần  trám răng , nha sĩ sẽ thay thế phần men răng biến mất bằng một vật liệu trám có màu giống với răng.
- Đối với trường hợp mòn nặng tới tủy thì phải tiến hành lấy tủy, bọc răng sứ nhằm bảo tồn được chân răng.
Mài chỉnh hoặc niềng răng để lấy lại khớp cắn chuẩn, mang máng chống nghiến.
 
 

3. Cách phòng tránh khuyết cổ răng:

- Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, không chải răng quá mạnh.
- Dùng bàn chải mềm và kem đánh răng có chứa fluor.
- Tránh hoặc giảm thiểu thức ăn, nước uống có chứa axit. Uống những thức uống có chứa axit bằng ống hút. Ngay sau khi tiếp xúc với thức ăn, nước uống có chứa axit, súc miệng bằng nước.
- Hạn chế ăn, nhai cắn vật cứng. Sử dụng chỉ nha khoa thay vì tăm xỉa răng.
- Khám răng định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện và điều trị sớm khuyết cổ răng cũng như các bệnh lý răng miệng khác.