Có nên nhổ răng khôn sớm hay là không?
Răng khôn đau nhức, biến chứng khi không nhổ răng khôn sớm. Nên chịu đau hay nên nhổ dứt điểm và lợi ích nhổ răng khôn sớm?...
Răng khôn hay răng số tám là chiếc răng mọc cuối cùng trên cung hàm. Răng khôn thường không hỗ trợ chức năng ăn nhai và việc mọc răng khôn còn gây đau nhức, kèm theo nhiều biến chứng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Vậy răng khôn có nên nhổ hay là không? Biến chứng gì sẽ xảy ra nếu không nhổ răng khôn?
1. Răng khôn là gì?
Là những chiếc răng mọc phía trong cùng của hàm răng. Răng khôn còn gọi là răng số tám thông thường sẽ không đóng vai trò hỗ trợ hoạt động ăn nhai của hàm. Răng khôn thường bắt đầu mọc ở độ tuổi từ 18 – 25 tuổi của chúng ta. Có những người mọc đủ 4 chiếc răng khôn, có người chỉ mọc 1, 2 hay 3 cái. Thậm chí, có những người không mọc chiếc răng khôn nào cả.
Từ thời xa xưa, răng khôn được tổ tiên chúng ta sử dụng để cắn các loại hạt cứng, xương hay các thức ăn còn quá cứng. Theo thời gian, khi con người tiến hóa đã đổi dần sang các loại thức ăn mềm, dễ nhai hơn. Lâu dần thì khung xương hàm của chúng ta sẽ thu nhỏ lại để khiến khuôn mặt trông hài hòa hơn. Vì thế mà đôi lúc răng khôn không có đủ vị trí để mọc, gây nên sự khó chịu cho chúng ta.
Tuy được gọi là răng khôn nhưng không phải lúc nào chúng cũng mọc bình thường. Đa số trường hợp, răng khôn thường mọc lệch, mọc ngang hay mọc đâm vào thịt. Điều này sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và cần thiết phải thực hiện việc nhổ răng khôn. Có một số trường hợp nhổ răng khôn là không thực sự cần thiết. Vì nếu răng khôn mọc thẳng, không gây biến chứng thì vẫn giữ lại để hỗ trợ ăn nhai tốt!
2. Nên nhổ răng khôn hay là không?
Ở một số trường hợp dưới đây bác sĩ thường sẽ chỉ định nhổ răng khôn:
Răng khôn mọc ngầm: Là tình trạng răng khôn khi mọc không trồi lên trên mà mọc hoàn toàn trong nướu răng. Lúc này, răng khôn thường sẽ gây đau nhức trầm trọng và nếu để lâu dài có thể ảnh hưởng đến cấu trúc nâng đỡ khung hàm. Một số trường hợp có thể dẫn đến các bệnh lí như áp xe chân răng, viêm nướu. Nên tiến hành nhổ răng khôn mọc ngầm càng sớm càng tốt theo chỉ định của bác sĩ.
Răng khôn nhú một phần: Răng khôn mọc nhú một phần ngoài nướu là tình trạng thường thấy nhất khi mọc răng khôn. Trường hợp này sẽ gây cảm giác đau nhức trầm trọng và thường sẽ hết đau sau khi mọc xong. Tuy nhiên, nếu không nhổ răng khôn thì sẽ gây cản trở cho quá trình vệ sinh răng miệng. Việc vệ sinh không kỹ, dắt thức ăn, gây nên các bệnh lí răng miệng như: sâu răng, viêm nha chu,...
Răng khôn đâm sang răng bên cạnh: Có nhiều trường hợp răng khôn mọc nằm ngang hay đâm sang răng nhai quan trọng bên cạnh. Cần lập tức nhổ ngay để tránh việc kẹt thức ăn, sâu lan làm mất luôn cả răng cạnh bên.
3. Lợi ích khi nhổ răng khôn sớm
Chúng ta thường suy nghĩ răng khôn không đau, không sưng nữa thì không cần nhổ. Nhưng việc nhổ răng khôn sớm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích khác mà bạn chưa biết như:
Xóa bỏ những khó chịu lặp đi lặp lại: Khi răng khôn mọc lên sẽ gây đau nhức, viêm nhiễm, khít hàm khó há miệng. Nhưng răng khôn không mọc lên 1 lần nên những cảm giác khó chịu lại tái diễn mỗi lần răng mọc.
Ngăn chặn tác hại xấu đến răng kế bên: Áp lực từ răng khôn mọc lệch có thể làm chấn thương, tiêu chân hay sâu răng số 7. Về lâu dần, răng số 7 sẽ bị lung lay, bắt buộc phải nhổ bỏ.
Giảm nguy cơ mắc các bệnh răng miệng: Sâu răng và các dạng viêm nướu, viêm lợi trùm thường hay gặp ở răng khôn mọc kẹt, mọc lệch. Đặc biệt viêm lợi trùm gây tích tụ thức ăn và vi khuẩn, thường gây đau nhức dai dẳng.
Phòng ngừa u, nang và gãy xương hàm: Răng khôn mọc kẹt nếu không được nhổ sớm có thể gây nhiễm trùng. Sau thời gian dài phát triển thành u, nang, phá hủy xương hàm gây ra những bệnh lý nghiêm trọng.
Độ tuổi thích hợp để nhổ răng khôn: Răng khôn nên được nhổ càng sớm càng tốt! Bởi vì qua tuổi 25 thì các mô xương đã hoàn thiện, gây khó nhổ, mô cũng lành chậm hơn.
Việc nhổ răng khôn có thực sự cần thiết hay không còn tùy vào tình trạng răng của bạn. Nên lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín để khám và chụp phim cùng với sự tư vấn của bác sĩ để có quyết định phù hợp với hàm răng của mình. Hạn chế đau nhức và tránh biến chứng nguy hiểm về sau.